TRƯỜNG PHỔ THÔNG LIÊN CẤP NEWTON TỔ CHỨC HỘI THẢO “ỨNG DỤNG CÔNG CỤ ĐÁNH GIÁ ELEOT TRONG XÂY DỰNG BÀI GIẢNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CHO HỌC SINH”
Ngày 26/4/2023, Trường Phổ thông liên cấp Newton đã tổ chức buổi Seminar với chủ đề “Ứng dụng công cụ đánh giá Eleot trong xây dựng bài giảng theo hướng phát triển năng lực cho học sinh” với sự tham gia của TS Lê Thị Chính – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Hệ thống trường liên cấp Newton, TS. Trần Thị Thanh Thuỷ – Giám đốc Học thuật Khối phổ thông tập đoàn giáo dục EQuest; NGƯT Lê Tiến Thành – Hiệu trưởng trường Tiểu học-THCS Victory, bà Nguyễn Thị An Quyên – Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần giáo dục Newton Sông Hồng, thầy Lê Anh Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường, nhà giáo Thạc Thị Mai Hương – cố vấn học thuật, cùng các thầy cô trong Hội đồng sư phạm nhà trường và Ban giám hiệu các trường trong cụm thành phố Vĩnh Yên.
Tại Hội thảo, thầy cô đã được nghe những chia sẻ của các chuyên gia giáo dục về các phương pháp dạy học tích cực tạo hứng thú cho học sinh, đồng thời cũng tham gia giờ giảng mẫu được thực hiện bởi giáo viên Trường phổ thông liên cấp Newton. Với chủ đề “Định hướng xây dựng chương trình dạy học phát triển năng lực cá nhân”, thầy Lê Tiến Thành – Hiệu trưởng trường Tiểu học-THCS Victory – nguyên vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học đã mang lại cho người tham dự góc nhìn khác trong việc quan sát lớp học và đánh giá hiệu quả giờ dạy. Theo đó, học sinh phải được là trung tâm của mọi hoạt động dạy học, việc quan sát lớp học không phải chỉ là quan sát giáo viên mà phải quan sát học sinh và đánh giá thông qua hiệu quả của các hoạt động dạy học.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng được lắng nghe TS. Trần Thị Thanh Thủy – Giám đốc Học thuật Khối phổ thông tập đoàn giáo dục Equest chia sẻ về nội dung “Ứng dụng bộ công cụ quan sát lớp học Eleot trong xây dựng bài giảng”. Công cụ “Đánh giá môi trường học tập hiệu quả” – Eleot là công cụ được sử dụng để thu thập dữ liệu số giúp đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho giáo viên khi thực hiện giáo án dạy học. Điểm đặc biệt của Eleot so với các công cụ khác ở chỗ lấy trải nghiệm của học viên làm trung tâm đánh giá thay vì giáo viên. Việc áp dụng Eleot sẽ giúp các giáo viên có thể đạt được một cái nhìn toàn diện về thực hành giảng dạy, đòi hỏi sự cải thiện trong việc thúc đẩy quyền tự quyết và các mối quan hệ của học sinh.
Trường Phổ thông liên cấp Newton nói riêng và Khối phổ thông của tập đoàn giáo dục EQuest nói chung đang sử dụng công cụ quan sát lớp học Eleot trong việc xây dựng bài giảng dựa trên các tiêu chí quan sát lớp học. Sau buổi hội thảo, các thầy cô đã dự giờ thao giảng môn tiếng Anh của cô Bùi Thị Tâm và giờ Giáo dục Kinh tế & Pháp luật do thầy Trần Phương Nam đứng lớp. Giờ dạy của các thầy cô đã nhận được phản hồi tích cực từ phía ban giám hiệu các trường tham gia: “Trong giờ học, học sinh rất tích cực tương tác tự nhiên với giáo viên”, “Mọi học sinh ở các trình độ khác nhau đều được tham gia vào bài học”, “Học sinh vận dụng tốt kiến thức được học để sử dụng và biến thành sinh ngữ.”
Tại Newton, nhà trường luôn chú trọng việc lấy học sinh làm trung tâm, và dạy học phân hóa – ở đó, học sinh ở các trình độ khác nhau đều có cơ hội tham gia vào bài học. Buổi hội thảo là cơ hội giao lưu, học hỏi với các đơn vị trong cụm thành phố Vĩnh Yên, các trường cùng trong tập đoàn giáo dục EQuest; đồng thời khuyến khích, động viên tinh thần tự học, tự bồi dưỡng và khả năng sáng tạo của giáo viên nhà trường. Trong thời gian tới, nhà trường rất mong được đón thầy cô các trường tới thăm và giao lưu trong nhiều lĩnh vực để cùng nhau kiến tạo cộng đồng học tập tích cực và hiệu quả.